Trồng rau thủy canh với trụ đứng khác so với trồng rau thủy canh trong ống nhựa PVC thông thường. Với hệ thủy canh thông thường, thay vì nước chứa dinh dưỡng vận hành theo phương ngang thì trụ trồng rau thủy canh nước vận hành theo phương thẳng đứng từ trên xuống.

1. Những đặc điểm của trồng rau thuỷ canh trụ đứng

Trồng rau thủy canh trụ đứng là kỹ thuật trồng cây không cần đất mà trồng trực tiếp vào dung dịch nước pha dinh dưỡng bao gồm đầy đủ và cân đối các nguyên tố đa lượng, trung lượng và vi lượng, giúp tối ưu hóa cho quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Mô hình trồng rau thủy canh này có những đặc điểm để nhận biết như sau:

– Trụ đứng độc lập hoặc nhiều trụ liên kết với nhau.

– Thân trụ bố trí các điểm trồng, hệ thống dẫn truyền dung dịch thủy canh dinh dưỡng thiết kế bên trong các ống trụ.

– Chiếm ít diện tích, hệ thống vừa trồng rau đồng thời vừa trang trí cảnh quan sân nhà.

– Có thể kết hợp vừa trồng rau vừa trồng cây cảnh trên hệ thống.

2. Những lợi ích mà trồng rau thuỷ canh trụ đứng mang lại

Trồng rau thủy canh trụ đứng là phương pháp cung cấp những điều kiện thích hợp đối với sự tăng trưởng của thực vật, kiểm soát được độ pH và dinh dưỡng, giúp cây tăng trưởng tốt trên một diện tích nhỏ.

Thích hợp để canh tác ở những vùng đô thị những nơi mà đất bị ô nhiễm bởi kim loại nặng, hóa chất công nghiệp. Chi phí nhân công không cao do không phải tốn công làm đất, hóa chất xử lý đất. Một lượng ít nhân công cũng có thể quản lý, chăm sóc một diện tích lớn. Trên một diện tích có thể quay vòng nhiều vụ.

Thời gian quay vòng giữa các mùa vụ cũng ngắn hơn, giảm thiệt hại do những biến đổi của khí hậu do được trồng trong nhà màng, môi trường được ổn định, vì vậy tổng lượng sản phẩm tạo ra ổn định và cao hơn so với canh tác truyền thống trên đất.

Điều tuyệt vời là chất lượng rau luôn được đảm bảo an toàn vì lượng thuốc hóa học sử dụng trong nông nghiệp được kiểm soát chặt chẽ. Người trồng rau có thể tiết kiệm nước và diện tích đất, có thể tận dụng tối đa không gian cho việc trồng nhiều loại rau khác nhau.

3. Quy trình trồng rau thuỷ canh trụ đứng có khác với cách truyền thống?

Gieo cây con: 

Mụn dừa đã xả chát thật kỹ, cho vào khay nhựa kích thước 34,5x27x7,5cm để gieo giống. Nén thật chặt giá thể mụn dừa vô khay rồi rắc đều 5g hạt giống lên trên bề mặt giá thể. Sau đó phun nước ướt đều hạt giống và giá thể trong khay.


Sau 5 ngày thì cấy cây con vào các mút xốp đã chuẩn bị sẵn với kích thước 5x5cm, mỗi mút xốp cấy khoảng 3 cây con. Sau đó đặt cây con vào các thùng xốp chứa nước và dinh dưỡng, mực nước cao khoảng 2,5cm. Sau 10 ngày thì chuyển cây con này lên hệ thống thủy canh.

Hệ thống trồng rau thủy canh: 

Bạn có thể liên hệ với cửa hàng dụng cụ thủy canh và được đơn vị chuyển giao lắp đặt và hướng dẫn vận hành, đảm bảo dòng nước đi đủ và liên tục. Tiếp theo là nên chọn cây con to khỏe cấy vào các lỗ trên giàn thủy canh. Trong 7 ngày đầu lên giàn thì phải che lưới lan để giảm ánh sáng. Theo dõi bổ sung dinh dưỡng thường xuyên vào hệ thống.

Cách chăm sóc: 

Cây con từ lúc gieo đến 15 ngày đầu cần phải phun sương cho mát. Trong thời gian này, những cây ốm yếu và chết cần được thay thế. Sau khi chuyển cây con vào giàn thủy canh, cần chăm sóc và theo dõi tốc độ lớn đồng đều của cây cho đến ngày thu hoạch.

Cây phải đảm bảo có nhiều ánh nắng vào tuần lễ sau cùng, bổ sung nước, dinh dưỡng đúng định kỳ. Cần kiểm soát tình hình sâu bệnh, tránh để lá rau tiếp xúc trực tiếp với dung dịch thủy canh vì lá sẽ bị úng, chết dẫn đến gây mầm bệnh lây lan cho vườn rau.

Thu hoạch: 

Từ lúc gieo đến lúc thu hoạch là khoảng 35 – 40 ngày. Chất lượng, màu sắc, hình dáng đẹp, cây khỏe, trọng lượng đồng đều khoảng từ 120 – 150g/cây, tùy loại. Khi thu hoạch nên dùng dao hoặc kéo cắt nhẹ, tránh làm gãy thân, sau đó đem đi đóng gói, bảo quản.