Thực phẩm chức năng được hiểu là thực phẩm bổ sung thêm các chất cần thiết cho con người. Thực phẩm chức năng không chỉ mang tới nhiều lợi ích tích cực đến sức khỏe và giảm nguy cơ mắc bệnh. Do đó việc sản xuất, mua bán cũng như quảng cáo thực phẩm chức năng phải tuân thủ các quy trình cụ thể theo quy định của pháp luật. 

1. Điều kiện doanh nghiệp cần đáp ứng để thực hiện thủ tục cấp giấy phép quảng cáo thực phẩm chức năng

  • Thương nhân xin xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng phải có Đăng ký kinh doanh và có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm chức năng;
  • Thực phẩm chức năng quảng cáo phải có phiếu công bố sản phẩm hợp chuẩn, hợp quy theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm;
  • Nội dung quảng cáo phải đáp ứng theo các quy định sau:
  • Nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng phải phù hợp với Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm.
  • Quảng cáo thực phẩm chức năng phải có các nội dung sau đây: Tên thực phẩm chức năng và Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.
  • Quảng cáo thực phẩm chức năng phải thực hiện theo quy định và các nội dung sau đây: Tác dụng chính và các tác dụng phụ (nếu có) và có khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.
  • Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc và phải được đọc rõ ràng nếu quảng cáo trên báo nói, báo hình.
  • Doanh nghiệp xin giấy phép quảng cáo là đơn vị đứng tên trên phiếu công bố sản phẩm thực phẩm hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam của đơn vị đứng tên trên phiếu công bố sản phẩm hoặc đơn vị có tư cách pháp nhân được đơn vị đứng tên trên phiếu công bố sản phẩm ủy quyền bằng văn bản.

2. Quy trình cấp giấy phép quảng cáo thực phẩm chức năng

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ cấp giấy phép quảng cáo

Luật Việt An hướng dẫn khách hàng chuẩn bị hồ sơ, điều kiện để xin giấy phép quảng cáo thực phẩm chức năng.

Bước 2: Nộp hồ sơ cấp giấy phép quảng cáo thực phẩm chức năng

Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ xin giấy phép quảng cáo thực phẩm về Cục An toàn thực phẩm

Bước 3: Cục An toàn thực phẩm tiếp nhận hồ sơ và trả giấy biên nhận hồ sơ và cấp phép

  • Cục An toàn thực phẩm kiểm tra hồ sơ và cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng đối với các hồ sơ hợp lệ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ thì trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
  • Thời gian thực hiện thủ tục xin giấy phép quảng cáo thực phẩm chức năng: 10 ngày làm việc kể từ ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ.

3. Lựa chọn phương tiện quảng cáo

  • Báo chí.
  • Trang thông tin điện tử, thiết bị điện tử, thiết bị đầu cuối và các thiết bị viễn thông khác.
  • Các sản phẩm in, bản ghi âm, ghi hình và các thiết bị công nghệ khác.
  • Bảng quảng cáo, băng-rôn, biển hiệu, hộp đèn, màn hình chuyên quảng cáo.
  • Phương tiện giao thông.
  • Hội chợ, hội thảo, hội nghị, tổ chức sự kiện, triển lãm, chương trình văn hoá, thể thao.
  • Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo; vật thể quảng cáo.

4. Thành phần hồ sơ cấp phép quảng cáo thực phẩm chức năng

  • Văn bản đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo;
  • Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp hoặc giấy phép thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài;
  • Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm và Bản công bố sản phẩm đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
  • Nội dung đề nghị xác nhận quảng cáo:

Nội dung đề nghị xác nhận quảng cáo trên báo nói, báo hình

Phải có 01 bản ghi nội dung quảng cáo dự kiến trong đĩa hình, đĩa âm thanh, file mềm kèm theo 03 bản kịch bản dự kiến quảng cáo, trong đó miêu tả rõ nội dung, phương tiện dự kiến quảng cáo, phần hình ảnh (đối với báo hình), phần lời, phần nhạc;

Nội dung đề nghị xác nhận quảng cáo trên các phương tiện quảng cáo không phải báo nói, báo hình:

Phải có 03 bản ma-két nội dung dự kiến quảng cáo in mầu kèm theo file mềm ghi nội dung dự kiến quảng cáo;

Nội dung đề nghị xác nhận quảng cáo thông qua hội thảo, hội nghị, tổ chức sự kiện:

  • Phải có mẫu quảng cáo sử dụng trong chương trình đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt còn hiệu lực (trong trường hợp mẫu quảng cáo đã được duyệt nội dung), chương trình có ghi rõ tên nội dung báo cáo, thời gian (ngày/tháng/năm), địa điểm tổ chức (địa chỉ cụ thể); nội dung bài báo cáo và tài liệu trình bày, phát cho người dự; bảng kê tên, chức danh khoa học, trình độ chuyên môn của báo cáo viên (Báo cáo viên phải có bằng cấp chuyên môn, trình độ phù hợp với lĩnh vực sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo.
  • Tài liệu hợp lệ, tin cậy chứng minh cho tính năng, công dụng của sản phẩm trong trường hợp nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng nêu tính năng, công dụng của sản phẩm không có trong nội dung của Phiếu công bố sản phẩm đã được cơ quan có thẩm quyền cấp số tiếp nhận.
  • Mẫu nhãn sản phẩm hoặc mẫu nhãn sản phẩm.
  • Các yêu cầu khác đối với hồ sơ:

Trường hợp đơn vị đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo là đơn vị được ủy quyền thì phải có các giấy tờ sau

  • Văn bản ủy quyền hợp lệ;
  • Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của thư­ơng nhân n­ước ngoài của đơn vị được ủy quyền.

Tài liệu tham khảo, chứng minh, xác thực thông tin trong nội dung quảng cáo

  • Các tài liệu bằng tiếng Anh phải dịch ra tiếng Việt kèm theo tài liệu gốc bằng tiếng Anh. Bản dịch tiếng Việt phải được đóng dấu xác nhận của đơn vị đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo;
  • Các tài liệu bằng tiếng nước ngoài không phải là tiếng Anh phải dịch ra tiếng Việt và kèm theo tài liệu gốc bằng tiếng nước ngoài. Bản dịch tiếng Việt phải được công chứng theo quy định của pháp luật.
  • Các loại giấy tờ khác
  • Công văn cam kết về giá, nếu video có thể hiện giá;
  • Công văn cam kết sử dụng hình ảnh;
  • Hợp đồng sử dụng hình ảnh, nếu video có sử dụng hình ảnh của cá nhân.

5. Lưu ý về hồ sơ cấp giấy phép quảng cáo thực phẩm chức năng

  • Các tài liệu trong hồ sơ được in rõ ràng, sắp xếp theo trình tự quy định tại các điều của Thông tư này, giữa các phần có phân cách bằng giấy màu, có trang bìa và danh mục tài liệu;
  • Các giấy tờ trong hồ sơ đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo phải còn hiệu lực, là bản sao chứng thực hoặc bản sao có đóng dấu của đơn vị đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo. Các tài liệu trong hồ sơ phải có dấu, dấu giáp lai của đơn vị đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo;
  • Mẫu nội dung quảng cáo được trình bày trên khổ giấy A4. Mẫu hình thức quảng cáo ngoài trời khổ lớn có thể trình bày trên khổ giấy A3 hoặc khổ giấy khác và ghi rõ tỷ lệ kích thước so với kích thước thật.
  • Riêng với các sản phẩm thực phẩm chức năng phải có dòng chữ hoặc lời đọc Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.
  • Nội dung quảng cáo không được sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế. Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.
  • Việc quảng cáo trên báo hình, báo nói với thời lượng ngắn dưới 15 giây thì không phải đọc “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”, nhưng phải thể hiện khuyến cáo trong quảng cáo.

6. Các trường hợp không được phép quảng cáo thực phẩm chức năng

  • Quảng cáo thực phẩm chức năng khi chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo;
  • Quảng cáo thực phẩm chức năng không đúng hoặc quá với công dụng của sản phẩm;
  • Quảng cáo thực phẩm chức năng trái với quy định an toàn thực phẩm;
  • Quảng cáo thực phẩm chức năng là thuốc có tác dụng chữa bệnh;
  • Sản phẩm quảng cáo là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng;
  • Quảng cáo thực phẩm chức năng dùng hình ảnh, thư tín của bệnh nhân, đơn vị, nhân viên y tế;
  • Quảng cáo dưới dạng bài viết có nội dung đề cập đến tác dụng điều trị bệnh;
  • Cùng một số điều khoản khác theo quy định quảng cáo đã được pháp luật thông qua.

7. Hiệu lực giấy phép quảng cáo thực phẩm chức năng

Hiệu lực giấy phép quảng cáo thực phẩm chức năng cũng như giấy phép quảng cáo mỹ phẩm sẽ phụ thuộc vào hiệu lực của giấy xác nhận phù hợp với quy định an toàn thực phẩm cho thực phẩm chức năng quảng cáo.

Ví dụ: Hiệu lực giấy xác nhận quy định an toàn vệ sinh thực phẩm chức năng có hiệu lực 5 năm và thời gian còn lại là 2 năm, hiệu lực giấy phép quảng cáo thực phẩm chức năng cũng chỉ là 2 năm.

Giấy phép quảng cáo thực phẩm chức năng cũng có thể hết hiệu lực trong các trường hợp sau đây:

  • Doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm;
  • Sản phẩm, hàng hoá có những thay đổi về thành phần hoặc công dụng;
  • Sản phẩm, hàng hóa bị đình chỉ lưu hành hoặc bị thu hồi.